Top 9 Chợ Hoa Tết Hà Nội 2023 - Đón Xuân Rực Rỡ
1. Chợ Hoa Quảng Bá - Thiên Đường Hoa Tết Hà Nội
Chợ hoa Quảng Bá, tọa lạc tại Quảng An, Tây Hồ, là điểm đến không thể bỏ qua của những người yêu hoa Hà Thành. Chợ hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết, khi hàng trăm loài hoa khoe sắc rực rỡ. Đặc biệt, những ngày cuối năm, chợ mở cửa 24/24, mang đến nguồn hoa tươi mới nhất. Khoảng 1-2h sáng, chợ trở nên sống động với những xe hoa tấp nập ra vào, tiếng cười nói, mời chào, và trả giá tạo nên một không gian đặc biệt khó quên. Ánh đèn lung linh phủ khắp chợ, tạo nên khung cảnh huyền ảo, thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách nước ngoài. Ngoài hoa Tết, chợ còn là nơi lý tưởng để chụp ảnh kỷ yếu, khám phá văn hóa Hà Nội về đêm.
Địa chỉ: Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội


2. Chợ Hoa Tây Tựu - Làng Hoa Truyền Thống Hà Nội
Làng hoa Tây Tựu, thuộc quận Bắc Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây, là một trong những làng hoa truyền thống nổi tiếng nhất nhì Thủ đô. Với lịch sử gần 100 năm, làng hoa Tây Tựu được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2017. Hoa tại chợ Tây Tựu đều được trồng và chăm sóc bởi chính người dân địa phương, đảm bảo độ tươi mới và giá cả phải chăng. Chợ thường họp vào ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, nhưng vào dịp Tết, chợ hoạt động thường xuyên hơn, thu hút đông đảo người dân đến mua sắm.
Đến với chợ hoa Tây Tựu, bạn không chỉ được chọn lựa những bó hoa tươi thắm mà còn có cơ hội tham quan tận vườn hoa rộng lớn. Các loại hoa chủ đạo như hoa ly, hoa đồng tiền, hoa hồng, và hoa cúc được trồng phổ biến, phục vụ nhu cầu trang trí Tết của người dân. Đặc biệt, làng hoa Tây Tựu còn là điểm chụp ảnh lý tưởng cho giới trẻ Hà Nội mỗi dịp xuân về.
Địa chỉ: Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội


3. Chợ Hoa Đêm Mê Linh - Điểm Hẹn Hoa Tươi Độc Đáo
Chợ hoa đêm Mê Linh, nằm tại huyện Mê Linh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km, là một trong những chợ hoa độc đáo nhất Thủ đô. Chợ chỉ họp vào nửa đêm và sáng sớm, tạo nên khung cảnh lung linh dưới ánh đèn vàng. Để đến đây, từ trung tâm Hà Nội, bạn di chuyển qua cầu Thăng Long, đi theo hướng khu công nghiệp Thăng Long, rẽ vào đường liên xã và tiếp tục đi thêm khoảng 5 km. Vào những đêm sương giá, chợ hoa Mê Linh trở nên huyền ảo với hàng trăm ngọn đèn thắp sáng khắp cánh đồng hoa.
Chợ hoa Mê Linh nổi tiếng với các loại hoa hồng tươi thắm, được trồng và chăm sóc bởi người dân địa phương. Ngoài hoa hồng, bạn còn có thể tìm thấy hoa cúc, hoa ly, và cả đào Tết. Đặc biệt, chợ là nơi lý tưởng để mua hoa với giá rẻ, nhất là vào khoảng 12h đêm. Khung cảnh chợ hoa nhộn nhịp, người mua kẻ bán tấp nập, tạo nên không khí Tết rộn ràng. Đây cũng là nguồn cung cấp hoa chính cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Địa chỉ: Xã Mê Linh, Huyện Mê Linh, Hà Nội (Gần sân bay Nội Bài)


4. Chợ hoa Mai Dịch - Điểm hẹn lý tưởng cho người yêu hoa
Chợ đêm hoa Mai Dịch tọa lạc tại quận Cầu Giấy, nơi được mệnh danh là thiên đường của những bông hoa tươi đẹp với giá cả phải chăng. Tương tự như chợ hoa Mê Linh, khu chợ này cũng hoạt động chủ yếu sau 12 giờ đêm và thu hút đông đảo khách hàng, đặc biệt là những người buôn hoa. Với quy mô không quá lớn và vị trí nằm ngay trước cửa nhà hát quân đội, phần lớn hoa tươi tại đây đều được lấy từ làng hoa Tây Tựu. Khi nhắc đến hoa ở Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến đào Nhật Tân, quất Phú Thượng, sen Tây Hồ và cúc Tây Tựu. Ngoài ra, một số loại hoa khác được vận chuyển từ vùng trồng hoa Mê Linh (Vĩnh Phúc) và Đà Lạt (Lâm Đồng). Hoa ở đây không chỉ đẹp mà còn có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/5 so với giá hoa tại các cửa hàng trong phố, điều này khiến chợ hoa đêm Mai Dịch trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều người.
Hoa tại đây chủ yếu được lấy từ các làng hoa nổi tiếng như Tây Tựu và Mê Linh. Những bông hoa được tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi đem bán, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Nếu bạn không muốn đi xa mà vẫn có thể mua được hoa tươi giá rẻ, thì chợ đêm Mai Dịch chính là sự lựa chọn hoàn hảo cho bạn trong dịp Tết này. Những bông hoa đủ màu sắc được bó thành từng bó lớn, xếp gọn gàng, khách hàng có thể thoải mái lựa chọn theo sở thích. Không chỉ có những người buôn hoa, mà còn có cả những khách mua lẻ, những người yêu hoa đến ngắm nghía, và cả các cặp đôi tới đây để mua hoa và chụp ảnh lưu niệm.
Địa chỉ: Võ Quý Huân, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội


5. Chợ hoa Hà Đông - Điểm hẹn sắc màu của người yêu hoa
Cách đây hơn một thập kỷ, chợ hoa Hà Đông trên phố Nguyễn Trãi (ngã tư bưu điện Hà Đông) bắt đầu hoạt động một cách tự phát vào lúc rạng sáng. Tuy nhiên, trong khoảng 6 đến 7 năm trở lại đây, chợ hoa này đã trở thành một trong những chợ đầu mối hoa tươi lớn nhất tại thủ đô Hà Nội, thu hút đông đảo người bán buôn và bán lẻ. Chợ hoa này thường bắt đầu từ 1 giờ sáng và là nơi lý tưởng để những người trồng hoa tại Hà Nội mang sản phẩm của mình đến đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây cũng là điểm đến quen thuộc của nhiều tiểu thương khu vực phía Tây Hà Nội, nơi họ mua hoa về để phân phối lại cho khách hàng của mình.
Chợ hoa đầu mối Hà Đông hoạt động từ 1 giờ sáng đến 5 giờ 30 phút mỗi ngày. Ngoài hoa tươi, chợ còn kinh doanh các mặt hàng như cau, trầu, và có cả quán nước, quán ăn phục vụ nhu cầu của người mua và người bán. Từ đầu tháng 12 âm lịch, người dân đã đổ xô đến đây để mua sắm hoa và cây cảnh trang trí nhà cửa, làm quà biếu tặng. Các chủ cửa hàng tại chợ đã nhập về đa dạng các loại hoa như phong lan, địa lan, hoa hồng, bạch trà, hồng trà, quất cảnh, dạ yến thảo… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Địa chỉ: Ngã tư bưu điện Hà Đông, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội


6. Chợ Vạn Phúc - Điểm hẹn sắc màu của người yêu hoa
Cũng nằm tại Hà Đông nhưng trên đoạn Lê Văn Lương kéo dài, chợ Vạn Phúc là một địa điểm bán hoa tươi giá sỉ nhộn nhịp mỗi dịp giáp Tết. Đến đây từ sớm, bạn có thể tìm thấy nhiều loại hoa như hồng, ly, thược dược, đồng tiền… với giá buôn cực kỳ hấp dẫn. Chợ hoa cây cảnh Vạn Phúc không chỉ mang đến sự đa dạng về chủng loại hoa và cây cảnh mà còn có mức giá ổn định so với mọi năm, giúp người mua có nhiều lựa chọn phù hợp với túi tiền. Hoa trà có giá từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng, trong khi hoa hồng dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy loại. Đặc biệt, hồng cổ gốc già vẫn giữ giá trị cao, có thể lên đến vài chục triệu đồng tùy theo tuổi đời và thế cây.
Năm nay, thị trường còn xuất hiện thêm quất bon sai, một xu hướng mới được nhiều người yêu thích. Khác với những năm trước, các nhà vườn không chỉ trồng cây trong chậu và lọ lộc bình mà còn sáng tạo với mẫu bình mang hình tượng Đức Phật Di Lặc và Quan Vân Trường. Trong văn hóa dân gian, Đức Phật Di Lặc tượng trưng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc. Việc trưng bày cây cảnh trong tượng Đức Phật Di Lặc được cho là sẽ mang lại nhiều điều tốt lành cho gia chủ. Bên cạnh hoa tươi, chợ Vạn Phúc còn bán nhiều loại cây cảnh, cây nguyên gốc trồng trong chậu hoặc giàn hoa mini. Những phiên chợ gần Tết thường không có giờ nghỉ trưa, giúp bạn thoải mái mua sắm mà không lo chen chúc. Chợ cây cảnh Vạn Phúc họp 5 ngày một phiên vào các ngày mồng 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch hàng tháng và cả thứ 7, chủ nhật, trở thành điểm giao thương và trao đổi kinh nghiệm trồng cây của người dân khắp miền Bắc.
Địa chỉ: Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội


7. Chợ hoa Hàng Lược
Tết đến - xuân về, không ít những chợ hoa rực rỡ bao quanh phố phường, nhưng đối với một số người Hà Nội gốc thì chợ hoa Hàng Lược vẫn là duy nhất. Đến với chợ hoa Hàng Lược, người dân thủ đô không chỉ mua hoa, vãn cảnh, dạo phố mà đây còn là nơi để tìm về những miền ký ức xưa cũ tươi đẹp mà không thể tìm thấy ở bất cứ một nơi nào khác. Mỗi năm, bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp cho tới 30 Tết, chợ hoa Hàng Lược bắt đầu đón những dòng người hối hả sắm Tết. Mỗi năm, chợ chỉ họp đúng một phiên duy nhất, từ 20 tháng chạp đến tận chiều tối 30 Tết, mở từ sáng sớm tới tận đêm khuya, thậm chí sát lúc giao thừa. Đã có thời, chợ hoa Hàng Lược là nơi tập trung những bông hoa tươi, những cành đào, quất đẹp nhất Hà Nội, từ những làng hoa có tiếng như: Ngọc Hà, Tứ Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá…
Người ta thường nói chợ hoa Hàng Lược giống như một cô gái Hà Nội kiêu kỳ. Kiêu kỳ bởi “nàng” đẹp, “nàng” đặc biệt, “nàng” thú vị và còn vì mỗi năm “nàng” chỉ họp có một lần duy nhất. Chính vì thế, “nàng” khiến cho những người muốn chứng kiến “nàng”, muốn hòa mình trong bầu không khí đặc biệt trong những ngày giáp Tết thì cần phải nhanh đến với “nàng”, không thì sẽ vuột mất, phải chờ đến tận năm sau mới có cơ hội lần nữa. Con phố trăm tuổi cũng bắt đầu thay da đổi thịt nhưng có một điều không bao giờ thay đổi đó chính là chợ hoa Hàng Lược vẫn họp thường niên vào những ngày giáp Tết. Từ khi bắt đầu, đến bây giờ trải qua hàng bao nhiêu thế kỷ rồi, khu chợ hoa này này vẫn chưa hề ngưng một phiên chợ nào. Chợ hoa Hàng Lược được mệnh danh là một khu chợ hoa lâu đời nhất Việt Nam.
Địa chỉ: Hàng Lược, Hoàn Kiếm, Hà Nội


8. Chợ hoa đường Hoàng Hoa Thám
Chợ hoa đường Hoàng Hoa Thám hay còn gọi là phố cây cảnh là tên một con đường ở Hà Nội, nó tiếp nối phố Phan Đình Phùng (giáp đường Mai Xuân Thưởng) và nằm sát đường Bưởi. Mỗi năm vào dịp Tết đến, Hoàng Hoa Thám đặc biệt là đoạn giáp chợ Bưởi lại nhộn nhịp sắc hoa. Hoa ở đây không chỉ đa dạng về chủng loại mà kiểu dáng các loại hoa cũng rất phong phú. Từ các loại hoa truyền thống như đỗ quyên, cúc, hồng môn, hoa đồng tiền, thủy tiên… đến những loại hoa mới hơn như: Hoa tiên ông, hoa mai trắng, mai vàng, tulip... đều có mặt ở đây và được rất nhiều người ưa chuộng. Cũng giống như chợ hoa Hàng Lược, đến với chợ hoa Hoàng Hoa Thám bạn sẽ được trải nghiệm không gian chợ quê Hà Nội. Ngoài ra, ở đây còn bán rất nhiều loại thú cảnh như chó, mèo, chim.
Đối với nhiều người Hà Nội, việc đi chợ hoa Hoàng Hoa Thám (Tây Hồ) những ngày cuối năm luôn được xem là một nét truyền thống không thể bỏ qua trong dịp Tết. Vì vậy, những ngày gần đây, đặc biệt là 2 ngày cuối tuần, con đường hoa trở nên rất đông đúc, náo nhiệt và rực rỡ sắc màu. Hàng trăm loài hoa cùng nhau khoe sắc, thu hút đông đảo khách đi đường. Vài năm trở lại đây, thị trường ưa chuộng lan rừng, lan công nghiệp, song, nhiều nhất vẫn là lan rừng, do bà con Tây Bắc, chủ yếu là Sơn La, đưa về xuôi bán cho các đầu mối ngày càng nhiều. Theo đó, lan rừng được bán cho thương lái theo trọng lượng, với giá từ vài chục ngàn/kg, đến cả trăm ngàn đồng/kg, sau đó, bà con đem về bán lẻ tại chợ hoa Hoàng Hoa Thám. Khách có thể mua vài lạng, vài kg về trồng, hoặc có thể mua từng giò lớn, nhỏ khác nhau, đã được người bán cho vào chậu, chỉ việc đem về treo, chăm sóc.
Địa chỉ: Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội


9. Chợ hoa đường Âu Cơ - đường Nghi Tàm
Đường Nghi Tàm tiếp nối đường Âu Cơ, đây là hai con đường thuộc quận Tây Hồ. Chợ kéo dài từ đầu đường Nghi Tàm (đoạn dốc đường Thanh Niên đi lên) cho tới gần hết đường Âu Cơ (gần chân cầu Thăng Long) và chạy dọc xuống đường Lạc Long Quân. Mỗi năm Tết đến, người dân từ khắp nơi lại đổ về đây để mua bán các loại hoa Tết. Đây được coi là khu chợ hoa sầm uất và có quy mô lớn nhất vào mỗi dịp Tết tại Hà Nội. Chợ hoa họp cả ngày, từ sáng sớm tinh mơ cho tới đêm tối mịt. Ưu điểm lớn nhất của chợ hoa đường Âu Cơ - Nghi Tàm chính là chủng loại hoa rất phong phú, các loại hoa miền Nam, Đà Lạt hay Sapa đều có mặt ở đây với giá thành khá phải chăng do hoa không qua tay các lái buôn. Khu chợ hoa Tết này còn rất gần Quảng Bá, Quảng An - chợ hoa nổi tiếng hàng đầu Hà Nội nên bạn có thể thỏa sức tìm mua các loại hoa tươi và rực rỡ nhất.
Một điểm khác giữa chợ hoa đêm Nghi Tàm với các chợ hoa đêm Hà Nội khác là có sự phân hóa trong xã hội các loài hoa. Đó là các loại hoa được bán trong quầy thì được gọi là “hoa vip” còn các loại hoa bán ngoài trời là “hoa bình dân”. Các loại hoa bày bán trong quầy cần sự chăm sóc cầu kì của cả người trồng, người bán và người chơi (ly, đồng tiền kép, lan…) chủ yếu được nhập từ xa (Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh…), phục vụ cho nhu cầu hoa của các shop hoa. Phân biệt như vậy không thể nói là hoa nào đẹp hơn hoa nào, tất cả các loại hoa đều đẹp, nó chỉ khác nhau ở chỗ đặt hoa.
Địa chỉ: Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội

